Dù các ngân hàng công bố dành hàng nghìn tỷ đồng lãi suất ưu đãi cho DN, nhưng theo ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc OCB, muốn đẩy mạnh cho vay trong lúc này cũng không dễ.
Bài liên quan : << Ngân hàng Habubank Xóa Nợ Thành Công>>
Quyết định giảm trần lãi suất huy động nhằm giúp ngân hàng có thêm điều kiện giảm lãi vay, chia sẻ khó khăn với DN. Nhưng theo ông, việc điều chỉnh như vậy có quá nhanh và ảnh hưởng đến hoạt động huy động tiền gửi của ngân hàng?
Về nguyên tắc, điều chỉnh chính sách tiền tệ thì thắt cũng không nên quá nhanh và ngược lại, nới cũng không quá vội. Tuy nhiên, theo tôi, việc điều chỉnh trần lãi suất huy động giảm 1%/năm sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho việc cắt giảm lãi suất đầu ra. Còn với tình hình huy động vốn, không phải đến thời điểm này mới có sự cạnh tranh gay gắt.
Trên thực tế, hiện nguồn vốn của nhiều ngân hàng, trong đó có cả ngân hàng chúng tôi cũng rất dồi dào. Tiền thừa, song ngân hàng không dễ cho vay ra. Dư nợ tín dụng của toàn ngành đã liên tục giảm trong 3 tháng đầu năm. Riêng tại OCB, tín dụng trong quý I âm 2%. Trong khi đó, tăng trưởng huy động đạt khoảng 5%.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do đâu, thưa ông? Có phải vì áp lực lãi suất còn cao?
Trước bối cảnh thị trường còn khó khăn thì áp lực lãi suất hiện nay cũng là một trong những rào cản đối với DN trong việc tiếp cận vốn vay để mở rộng sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, so với đầu năm, mặt bằng lãi suất cho vay hiện đã giảm đáng kể. Nguyên nhân sâu xa khiến tín dụng khó tăng trưởng trong lúc này không chỉ vì nhu cầu vốn của DN thấp mà bản thân các ngân hàng cũng không dám đẩy mạnh vốn cho vay ra. Nếu không chọn lọc kỹ khách hàng để cho vay, rủi ro nợ xấu sẽ gia tăng. Đồng thời, với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhận được trong năm nay thấp hơn năm trước cũng sẽ là thước đo trong phát triển hoạt động cho vay của các ngân hàng.
Vì sao trần lãi suất giảm thêm 1%/năm, nhưng lãi suất cho vay vẫn khó có thể kỳ vọng giảm sâu hơn để đáp ứng nhu cầu của DN trong bối cảnh hiện nay?
Sở dĩ lãi suất cho vay giảm chậm là vì cần có độ trễ cho các ngân hàng tiêu thụ hết các khoản vốn huy động lãi suất cao trước đó. Mặt khác, để có thể giảm được lãi suất cho vay, đòi hỏi phải có nguồn đầu vào với chi phí hợp lý. Nhưng với diễn biến thị trường hiện nay, khi các ngân hàng phải cạnh tranh gay gắt để thu hút vốn và trần lãi suất huy động vẫn ở mức 12%/năm thì ngân hàng chưa thể mạnh tay cắt giảm lãi suất đầu ra.
Thực tế, lãi suất cho vay đối với tiền đồng đã và đang được điều chỉnh theo xu hướng giảm dần. Song trước mắt, vốn ưu đãi lãi suất chỉ có thể đáp ứng được một phần nhu cầu của các DN, chứ chưa thể áp dụng phổ biến cho tất cả khách hàng.
NHNN vừa cho phép mở van tín dụng cả với lĩnh vực không khuyến khích (bất động sản, chứng khoán), theo ông, đó có là cơ hội cho ngân hàng trong phát triển tín dụng?
Đây cũng là cơ hội cho ngân hàng phát triển tín dụng, nhất là với lĩnh vực bất động sản tiêu dùng (cá nhân vay mua, sửa chửa nhà trả góp), vì nhu cầu thực tế của thị trường rất lớn. Tuy nhiên, việc kiểm soát tăng dư nợ tín dụng ở lĩnh vực không khuyến khích tỷ lệ dưới 16% tổng dư nợ vẫn là khó khăn cho các ngân hàng khi triển khai cho vay bất động sản.
Vì thế, việc NHNN cho phép tăng trưởng dư nợ bất động sản chỉ tạo điều kiện tốt cho ngân hàng còn “room” tăng trưởng dư nợ ở lĩnh vực phi sản xuất. Đối với OCB, đến thời điểm này chỉ mới sử dụng được khoảng 10% nên sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn cho khách hàng cá nhân có nhu cầu mua, sửa nhà cũng như vay tiêu dùng.
Xin cho biết nhận định của ông về tín dụng cũng như lãi suất trong thời gian tới?
Khả năng tăng trưởng dư nợ tín dụng sẽ dần được cải thiện kể từ quý này và sau đó tăng lên trong những tháng cuối năm khi mùa kinh doanh cao điểm của DN diễn ra. Mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian nói trên cũng từng bước điều chỉnh dần theo xu hướng trần lãi suất huy động được dự báo giảm 1% trong mỗi quý. Thế nhưng, điều khiến các ngân hàng tỏ ra thận trọng hiện nay đó chính là xu hướng nợ xấu gia tăng khi tình hình kinh doanh của DN còn gặp nhiều khó khăn.