Điều này đang trở nên khả thi khi lạm phát giảm mạnh. Vấn đề DN trông đợi là giảm bao nhiêu và khi nào giảm tiếp.
|
Giảm thêm 1%?
Trong buổi gặp gỡ DN gần đây ở TP. Hồ Chí Minh, đại diện Ngân hàng Nhà nước dự tính, nếu lạm phát năm nay được khống chế ở 7% thì lãi suất huy động sẽ giảm về 8%/năm, tạo thêm cơ sở để giảm tiếp lãi suất cho vay.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình dự tính lãi suất có thể tiếp tục giảm đến cuối năm nay, theo diễn biến của lạm phát. Thống đốc tính toán, nếu lạm phát cả năm nay được khống chế ở khoảng 7% thì lãi suất huy động VND có thể giảm tiếp, xuống còn 8%/năm. Và nếu nền kinh tế phát triển ổn định, lạm phát vẫn được khống chế thì giữa năm 2013 lãi suất huy động có thể chỉ còn 7%/năm, khi đó lãi suất cho vay sẽ ở khoảng 10%/năm.
Thực tế, qua 7 tháng đầu năm nay, lạm phát mới chỉ tăng 2,22%. 5 tháng còn lại, nhiều khả năng lạm phát cả năm sẽ được khống chế ở 7% và lãi suất có thể giảm thêm. Vì thế, Thống đốc cũng dự báo thể giảm thêm một lần nữa trong năm nay.
Thực ra, dù lãi suất đã dồn dập giảm từ 14% xuống mức 9% như hiện nay nhưng trước diễn biến mới của lạm phát và khó khăn từ kinh tế vĩ mô, đã có nhiều nhận định cho rằng lãi suất sẽ giảm và điều đó sẽ đến sớm ngay trong quý 3 này.
Cụ thể, sau khi có chỉ số CPI tháng 7, JPMorgan Chase dự báo, lãi suất sẽ còn giảm thêm ít nhất 200 điểm phần trăm trong 6 tháng cuối năm. Theo JPMorgan, lạm phát giảm có thể sẽ dẫn tới việc Ngân hàng Nhà nước nới lỏng thêm chính sách tiền tệ, theo đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Cùng xu hướng nhận định, Standard Chartered cũng cho rằng, lãi suất sẽ giảm thêm lần nữa trong năm nay. Lạm phát đã hạ nhanh hơn dự đoán ban đầu, và có thể sẽ hạ xuống mức trung bình 8,8%/tháng trong năm 2012 từ mức 18,7% trong năm 2011. Lãi suất tái đầu tư cũng được dự đoán hạ xuống 9% cho đến cuối năm 2012 từ mức 11% hiện nay. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước có cơ sở cắt giảm lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế. Điều này có thể thực hiện ngay trong quý 3 này.
|
Trao đổi về xu hướng giảm lãi suất thời gian tới, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo, năm nay lạm phát sẽ ở mức 7-8%, với cách tính thực tế thì lãi suất huy động từ nay đến cuối năm sẽ chỉ giảm thêm 1% ở mức 8%/năm.
Ông Nghĩa tính toán, lãi suất USD 2%, lạm phát 6 tháng còn lại có thể dao động 4%, thêm các chi phí rủi ro và niềm tin vào USD khoảng 2%, trong khi lãi suất tiền gửi VND 9%. Dư địa chỉ còn lại 1%, nếu lãi suất huy động VND xuống thấp quá, người dân sẽ đổ xô đi mua USD, tạo nên bất ổn tỉ giá. Đối với lãi suất cho vay, thông thường dư địa chênh lệch khoảng 3%, nếu có giảm thì từ nay đến cuối năm quanh mốc 12%/năm
Vướng nợ xấu, lo lạm phát
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, lạm phát hiện đã thấp xa so với chỉ tiêu đặt ra, dự báo cả năm chỉ từ 4,6% đến 6%. Ông Nghĩa cho biết, thời gian dài vừa qua, lãi suất nội tệ cao hơn nhiều so với lãi suất ngoại tệ. Lãi suất ngoại tệ duy trì kéo dài ở mức 2%/năm, trong khi lãi suất nội tệ rất cao, một thời gian dài ở mức 2 con số. Sự chênh lệch rất lớn này khiến DN, dân cư và ngân hàng thương mại ồ ạt bán ngoại tệ chuyển sang nội tệ. Nhiều ngân hàng thương mại đang duy trì trạng thái ngoại tệ âm.
Khi lãi suất huy động hạ xuống 9%/năm, lãi suất ngoại tệ vẫn là 2%. Nếu lạm phát cả năm 5% thì dư địa giảm lãi suất là 3%. Nếu tính lạm phát ở mức 6% thì dư địa giảm lãi suất là 2%. Tuy nhiên, dư địa này khá mong manh, vì vậy phải thận trọng. Nếu giảm lãi suất xuống 8%/năm, rất có thể người dân và các ngân hàng sẽ chuyển sang trạng thái ngược lại là chối bỏ nội tệ, như vậy tỷ giá sẽ thay đổi.
Diễn biến mới trên thị trường hiện nay là sự chuyển dịch từ ngoại tệ sang nội tệ đã dừng lại, do đó, phải rất thận trọng trong điều hành giảm lãi suất những tháng cuối năm.
Trong khi đó, ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thì tốc độ nợ xấu vẫn tăng nhanh. Nền kinh tế có thể còn rơi vào giảm phát nếu tình trạng trì trệ và "cục máu đông" nợ xấu chưa được giải quyết. Để khơi thông dòng vốn, theo ông Thành nên rốt ráo xử lý nợ xấu và giải quyết vấn đề niềm tin của thị trường vì nó đang gặp vấn đề.
Còn TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện đang gặp phải "căn bệnh" khó trị đó là suy kiệt tín dụng. Người có tiền không dám cho vay, hoặc không cho vay được, còn người cần tiền thì không vay được, cả 2 đứng nhìn qua hàng rào sắt, không thể vượt qua.